SỰ QUAN TRỌNG CỦA DÂY CUA-ROA (ĐAI) CAM

Một số xe sử dụng xích cam, từ những năm 70s – 80s hướng sử dụng dây cua-roa (đai) cam thay thế cho xích cam ngày càng phổ biến rộng rãi, bởi dây cua-roa có ưu thế là hoạt động êm hơn xích cam nhất là với những xe nhỏ. Tuy nhiên từ năm 2009 lại đây, lại có một xu hướng sử dụng trở lại xích cam, rất nhiều nhà sản xuất quay trở lại xích cam do căn cứ trên những dữ liệu về dịch vụ bảo trì, giá cả/hiệu quả hoạt động và cỡ của động cơ…

Tuy nhiên bài viết dưới đây đề cập đến vấn đề tác hại xảy ra khi đứt dây cua-roa (đai) cam và những điều cần quan tâm để phòng tránh, bởi dây cua-roa (đai) cam dễ bị đứt hơn xích cam. Dây cua-roa kéo trục cam là một bộ phận rất quan trọng, bởi nó đóng vai chính trong việc điều khiển động cơ chạy, nhiệm vụ của nó là quay trục cam để điều khiển đóng mở các xúp páp nhịp nhàng cùng với hoạt động của pít tông. Nếu dây cua-roa cam bị đứt trong lúc xe đang vận hành, đảm bảo chắc chắn là xe sẽ bị hỏng nặng tới mức “nằm đường” gọi cứu hộ. Việc hỏng hóc xảy ra bởi khi dây cua-roa cam bị đứt, sự điều khiển phối hợp nhịp nhàng giữa pít tông và các xúp páp không còn nữa, pít tông sẽ bị đâm vào các xúp páp khiến cho một loại hỏng hóc sẽ xảy ra như: cong, gãy xúp páp, vỡ pít tông, cong tay biên … Nguyên nhân khiến cho dây cua-roa cam bị đứt thường là bởi quá thời hạn sử dụng, sai lệch trong khi lắp đặt, lắp quá căng hoặc quá chùng khiến cho dây bị quá tải trong quá trình sử dụng

MỘT SỐ ĐIỀU CẦN QUAN TÂM ĐỐI VỚI DÂY CUA-ROA (ĐAI) CAM

  • Biết chắc chắn thời gian đã sử dụng kể từ lần thay thế trước đây.
  • Theo những tài liệu kèm theo xe thì thường khuyến cáo thay thế sau 80,000km đến 100,000km. Tuy nhiên với điều kiện giao thông ở Việt Nam, thời gian máy nổ nhiều mà không lăn bánh được mấy thì cần trừ hao nếu căn cứ vào số km đã đi. Cũng như việc thay dầu máy, thường là được khuyến cáo thay sớm hơn qui định của nhà sản xuất.
  • Nếu xe thường xuyên hoạt động trong điều kiện tắc đường, di chuyển ít (như thể chỉ hoàn toàn chạy trong thành phố) hoặc điều kiện làm việc khắc nghiệt thì nên thay sớm hơn số km khuyến cáo.
  • Nên thường xuyên kiểm tra dây cua-roa cam, nhất là với xe cũ. Chúng ta có thể kiểm tra phớt trục cam hay trục cơ, nếu bị chảy dầu thì sẽ khiến cho dây cua-roa bị giòn và đứt nhanh hơn. Nếu phát hiện chảy dầu phớt trục cam hay trục cơ thì khắc phục khẩn trương là điều nên làm để bảo vệ động cơ.
  • Khi thay thế dây cua-roa (đai) cam, bắt buộc phải thay đồng thời bộ bi tăng và bi tì cua-roa, một số xe thì chỉ có một bi đảm nhiệm hai chức năng. Bi tì hay bi tăng bị cũ sẽ có ma sát gây nóng đến mức đứt đai cam bằng cao su, rất nhiều xe đã bị đứt dây cua-roa mới vì không thay bi tăng, bi tì cam.
  • Nên thay thế các phớt đầu trục cơ và trục cam khi thay đai cam.