Nguyên tắc thế quyền (tiếng Anh: Principle of subrogation) được gọi là nguyên tắc chuyển quyền đòi bồi thường, được xem là sự mở rộng và hệ quả của nguyên tắc bồi thường.
Nguyên tắc thế quyền (Principle of subrogation)
Định nghĩa
Nguyên tắc thế quyền trong tiếng Anh là Principle of subrogation. Nguyên tắc thế quyền còn được gọi là nguyên tắc chuyển quyền đòi bồi thường, được xem là sự mở rộng và hệ quả của nguyên tắc bồi thường.
Theo nguyên tắc thế quyền, người bảo hiểm sau khi bồi thường cho người được bảo hiểm, có quyền thay mặt người được bảo hiểm để đòi người thứ ba trách nhiệm bồi thường cho mình.
Nội dung nguyên tắc thế quyền
– Nguyên tắc thế quyền cũng thường được áp dụng cho tất cả mọi loại hợp đồng mang tính bồi thường (contracts of indemnity) như nguyên tắc đóng góp.
– Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm do người thứ ba đã gây thiệt hại cho đối tượng được bảo hiểm, sau khi trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm, người bảo hiểm được quyền truy đòi người có lỗi gây ra tổn thất đó (người thứ ba) trong phạm vi số tiền đã trả.
– Như vậy, người bảo hiểm sau đã thực hiện trách nhiệm bồi thường, có quyền thay mặt người được bảo hiểm để đòi người thứ ba trách nhiệm bồi thường cho mình.
Cơ sở của nguyên tắc thế quyền
– Nguyên tắc thế quyền được luật pháp bảo hiểm của các nước thừa nhận một cách rộng rãi. Cơ sở của nguyên tắc thế quyền là số tiền người được bảo hiểm được bồi thường không vượt quá mức tổn thất thực tế của họ.
– Khi xảy ra tổn thất do lỗi của người thứ ba, nếu người được bảo hiểm vừa nhận được bồi thường từ công ty bảo hiểm, vừa được yêu cầu người thứ ba bồi thường khi đó tổng số tiền họ nhận được có thể lớn hơn so với mức thiệt hại của họ.
– Nhưng nếu không yêu cầu người thứ ba phải bồi thường, thì người này không phải chịu trách nhiệm về lỗi và tổn thất do họ gây ra, điều này là không công bằng và có thể dẫn tới nhiều hệ lụy xấu. Quyền đòi bồi thường cần phải được chuyển cho người bảo hiểm.
– Muốn chuyển quyền đòi bồi thường phải có đủ những điều kiện cần thiết như sau:
(1) Rủi ro và tổn thất xảy ra phải nằm trong phạm vi sự kiện bảo hiểm được qui định trong hợp đồng
(2) Việc xảy ra tổn thất phải là nguyên nhân do lỗi của người thứ ba và người thứ ba phải phát sinh trách nhiệm bồi thường
(3) Doanh nghiệp bảo hiểm hay công ty bảo hiểm đã thực hiện trả tiền bảo hiểm.
Ví dụ
Ô tô du lịch 4 chỗ được bảo hiểm đúng giá trị, bị xe tải đâm va gây thiệt hại phải sửa chữa, thay thế như trước lúc xảy ra tai nạn và được công ty bảo hiểm bồi thường với số tiền bảo hiểm 35.000.000 đồng.
Lỗi cảnh sát giao thông xác định xe tải 70%, xe con 30%. Ở đây, công ty bảo hiểm đã hoàn thành cam kết của mình với người được bảo hiểm là bồi thường đúng giá trị tổn thất. Sau khi đã nhận đủ tiền bồi thường, người được bảo hiểm phải bảo lưu quyền đòi lại phần trách nhiệm của bên thứ ba (ở ví dụ trên là phía xe tải) cho công ty bảo hiểm.
Liên hệ
Bộ Luật Dân sự năm 2005 cũng có qui định về việc chuyển quyền đòi bồi thường:
Trong trường hợp người thứ ba có lỗi mà gây thiệt hại cho bên được bảo hiểm và bên bảo hiểm đã trả tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm thì bên bảo hiểm có quyền yêu cầu người thứ ba hoàn trả khoản tiền mà mình đã trả. Bên được bảo hiểm có nghĩa vụ phải cung cấp cho bên bảo hiểm mọi tin tức, tài liệu, bằng chứng cần thiết mà mình biết để bên bảo hiểm thực hiện quyền yêu cầu đối với người thứ ba.
Trong trường hợp bên được bảo hiểm đã nhận số tiền bồi thường thiệt hại do người thứ ba trả, nhưng vẫn ít hơn số tiền mà bên bảo hiểm phải trả thì bên bảo hiểm chỉ phải trả phần chệnh lệch giữa số tiền bảo hiểm và số tiền mà người thứ ba đã trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác; nếu bên được bảo hiểm đã nhận tiền bảo hiểm nhưng ít hơn so với thiệt hại do người thứ ba gây ra thì bên được bảo hiểm vẫn có quyền yêu cầu người thứ ba bồi thường phần chênh lệch giữa số tiền bảo hiểm và tiền bồi thường thiệt hại.